(theo laodong.vn) Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nói rằng, hiện nay việc xử lý rác thải bằng chôn lấp trực tiếp vẫn còn nhiều. Các nhà khoa học cảnh báo hình thức xử lý này chủ yếu là để khuất mắt người dân.
Ngày 30.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Tại tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).
Phát biểu ý kiến, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nhất trí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát Quốc hội năm 2025.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, qua kiến nghị giám sát nhóm nội dung thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, có nhiều kiến nghị liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý xử lý rác thải, đây cũng là vấn đề được dư luận quan tâm.
Qua phản ánh của cử tri cho thấy, địa phương nào có khu xử lý rác thải tập trung thì đều có sự ảnh hưởng nhất định đến tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho biết, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có khoảng 1.700 cơ sở xử lý rác thải, bao gồm 470 lò đốt với hơn 1.200 bãi chôn lấp, tăng khoảng 120 bãi so với năm 2019 để xử lý lượng rác thải.
Trong đó riêng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trong cả nước khoảng 67.000 tấn/ngày và có khoảng 64% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và khoảng 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt, trong đó thu hồi năng lượng chỉ đạt khoảng 9,3%.
“Hiện tại cả nước mới chỉ có 3 nhà máy điện rác đi vào hoạt động với công suất khoảng 4.600 tấn rác/ngày, qua đó cho thấy việc xử lý rác thải bằng chôn lấp trực tiếp vẫn còn nhiều.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, việc thu gom rác thải về bãi chôn lấp tập trung chỉ chủ yếu là để khuất mắt người dân. Người dân có tâm lý đẩy rác ra xa mình nhưng thực tế là chuyển ô nhiễm riêng lẻ về một chỗ gây ô nhiễm lớn hơn” – đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, giải pháp này còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, nhất là nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nơi có địa điểm chôn lấp rác thải.
Để hạn chế việc chôn lấp rác thải, công tác tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt là một việc làm rất quan trọng trong thời gian tới, đây cũng chính là nguồn đầu vào quan trọng cho nhà máy đốt rác phát điện, cũng như đẩy mạnh tái chế rác thải và hạn chế việc chôn lấp rác thải trực tiếp.
Cùng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, các vấn đề ô nhiễm cho đến nay hầu như chưa được cải thiện đáng kể, nhất là từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực.
Câu chuyện ô nhiễm không phải chỉ là rác thải, không phải là chỉ nước thải sinh hoạt mà còn cả ở nông thôn cả công nghiệp, khu công nghiệp, rất nhiều những vấn đề.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, vấn đề môi trường cũng là vấn đề bức xúc, kể cả rác thải, ô nhiễm sông, suối, biển, ô nhiễm mỏ, đều là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.