(Tuổi Trẻ Online) – Hai bãi rác thải nằm cặp quốc lộ 61 đã cao như núi, bốc mùi hối thối, ảnh hưởng môi trường sống của người dân. Các bãi rác ở tỉnh Kiên Giang này đã quá tải nhưng nhà máy xử lý rác đầu tư hơn 7 năm qua chưa… hoạt động được.

Bãi rác huyện Gò Quao tràn ra cặp quốc lộ 61, đoạn qua xã Vĩnh Hòa Hưng Nam bốc mùi - Ảnh: BỬU ĐẤU

Bãi rác huyện Gò Quao tràn ra cặp quốc lộ 61, đoạn qua xã Vĩnh Hòa Hưng Nam bốc mùi – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 6-7, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, bãi rác thải lớn nhất của huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) nằm cặp quốc lộ 61, thuộc xã Vĩnh Hòa Hưng Nam cao như núi giữa đồng bằng. Xung quanh bãi rác này đã được bao bọc bởi bức tường bê tông kiên cố, còn rác thải thì tràn ngập đến tận lề quốc lộ 61.

“Bãi rác thì nằm cặp quốc lộ 61 nên ai đi ngang đều thấy mùi hôi thối nồng nặc. Bây giờ gió thổi về hướng nào là rác bốc mùi về hướng đó, người dân lãnh đủ”, bà H., người dân địa phương, nói.

Nói về việc này, ông Cà Uôl – phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Gò Quao – thừa nhận bãi rác huyện Gò Quao đã quá tải, dù bãi này có 4 hố chôn lấp nhưng hiện nay đã đầy. Bãi rác này có diện tích hơn 1 héc ta.

“Huyện Gò Quao có 10 tấn rác/ngày đổ xuống bãi rác. Vì vậy, cứ hai tuần, chúng tôi phải thuê xe cuốc đến bãi rác múc lên cao thành núi. Tuy nhiên, việc thuê người cũng rất khó vì không ai chịu làm. Bây giờ đành phải đợi nhà máy xử lý rác của huyện Giồng Riềng hoạt động mới xử lý được”, ông Cà Uôl giải thích.

Huyện Gò Quao thừa nhận bãi rác đã quá tải nhưng không có cách nào khác - Ảnh: BỬU ĐẤU

Huyện Gò Quao thừa nhận bãi rác đã quá tải nhưng không có cách nào khác – Ảnh: BỬU ĐẤU

Bãi rác của huyện Giồng Riềng đặt tại xã Long Thạnh đầy ắp, lộ thiên trên diện tích hơn 1,5ha cũng chưa được xử lý. Đáng chú ý, phía sau bãi rác này có nhà máy xử lý rác hình thành hơn 7 năm nay vẫn chưa đưa vào hoạt động được do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh – phó chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng – cho hay Giồng Riềng có nhà máy xử lý rác đặt tại xã Long Thạnh, do Công ty TNHH Mai Trần II đầu tư vào năm 2017.

Lúc đầu, doanh nghiệp không thỏa thuận được việc mua đất của dân nên việc đầu tư xây dựng kéo dài. Khi mua được đất thì công nghệ xử lý rác không giống như giấy chứng nhận đầu tư. Sau đó, nhà máy phải dừng hoạt động để điều chỉnh chủ trương đầu tư và cho đến nay cũng chưa xong.

Nhà máy xử lý rác Giồng Riềng được xây dựng nhằm đốt rác bằng than cho 3 huyện Giồng Riềng, Gò Quao và Châu Thành. Tổng mức đầu tư nhà máy trên 78 tỉ đồng, công suất đốt từ 150 – 200 tấn rác/ngày.

Bãi rác huyện Giồng Riềng đã có nhiều cụm cao như núi giữa đồng bằng và bốc mùi hôi thối nồng nặc - Ảnh: BỬU ĐẤU

Bãi rác huyện Giồng Riềng đã có nhiều cụm cao như núi giữa đồng bằng và bốc mùi hôi thối nồng nặc – Ảnh: BỬU ĐẤU

“Có thể nhà máy sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 7 này. Mấy tháng trước, doanh nghiệp chưa thống nhất mức giá tiền đốt rác. Toàn huyện có 16 bãi rác nhỏ nhưng nhà máy xử lý rác chưa hoạt động được cũng là nỗi bức xúc của người dân”, ông Quỳnh nói.

Nhà máy xử lý rác Giồng Riềng đặt phía sau bãi rác được đầu tư gần 7 năm qua nhưng chưa hoạt động chính thức được - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nhà máy xử lý rác Giồng Riềng đặt phía sau bãi rác được đầu tư gần 7 năm qua nhưng chưa hoạt động chính thức được – Ảnh: BỬU ĐẤU