(Theo: moitruong.net.vn)

Việc thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn ở nước ta đã từng bước đem lại kết quả nhưng hiệu quả không cao, trong đó tồn tại nhiều nguyên nhân, khó khăn và vướng mắc. Sau khi đã có những hướng dẫn kỹ thuật, việc xây dựng một lộ trình cụ thể để triển khai tới từng địa phương, khu dân cư, hộ gia đình và cá nhân là điều vô cùng cần thiết để những quy định pháp luật sớm đi vào thực tế.

Hiện nay, rác sinh hoạt vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống con người. Vì vậy, nếu chúng được phân loại, thu gom và xử lý một cách triệt để theo đúng quy định sẽ đem lại những lợi ích to lớn. Việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt chính thức thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025 được đánh giá là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như việc vận hành triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để công tác phân loại đi vào cuộc sống thì cần phải có một lộ trình phù hợp.

1-chat-thai-ran-sinh-hoat-hien-nay-van-la-moi-de-doa-lon-den-doi-song-con-nguoi.jpg
Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống con người

Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ làm giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác cũng sẽ giảm. Từ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường cũng sẽ giảm đáng kể như: giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt… Việc tận dụng các chất thải sinh hoạt có thể tái sinh tái chế còn giúp bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2-rac-thai-chua-duoc-phan-loai-tai-nguon.jpg
Rác thải chưa được phân loại tại nguồn

Phân loại chất thải sinh hoạt còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trước hết, nó tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất phân compost. Đồng thời giúp giảm được gánh nặng chi phí trong việc xử lý nước rỉ rác và xử lý mùi phát sinh từ rác thải.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, nhiều người dân vẫn chưa có thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thậm chí có những người còn chưa hiểu phân loại để làm gì hay cách thức phân loại như thế nào. Nhiều loại chất thải rắn vẫn được vứt chung một chỗ, chờ nhân viên vệ sinh môi trường đến thu gom, phân loại.

3-nhieu-nguoi-dan-van-chua-co-thoi-quen-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat.jpg
Nhiều người dân vẫn chưa có thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt
4-phan-loai-chat-thai-sinh-hoat-mang-lai-nhieu-loi-ich-kinh-te.jpg
Việc phân loại chất thải sinh hoạt mang lại nhiều lợi ích kinh tế

TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam đưa ra nhận định: “Hiện nay, các địa phương đang rất lúng túng trong việc phân loại rác thải vì thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề này không chỉ đơn giản là việc phân loại rác tại nguồn mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác. Ví dụ như việc thu gom như thế nào, vận chuyển và xử lý ra sao, những vấn đề liên quan đến người dân, đơn vị quản lý,… Tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ.”

5-ts-hoang-duong-tung-chu-tich-mang-luoi-khong-khi-sach-viet-nam.jpg
TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam

Ông Tống Viết Thành, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP. HCM cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng làm theo chỉ tiêu, nhiệm vụ mà lãnh đạo Thành phố giao, còn kết quả như nào thì chúng ta phải chờ đợi. Theo tôi, việc này là việc chung và rất khó, vậy nên, với trách nhiệm của một người làm trong công tác bảo vệ môi trường, tôi sẽ cố gắng nhiều nhất có thể. Tất cả các địa phương đều đang trong quá trình nghiên cứu nhưng có nhiều địa phương vẫn chưa tìm được cách thức giải quyết vấn đề này.”

PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cũng bày tỏ lo ngại việc triển khai phân loại rác sinh hoạt sẽ không khả thi. “Luật Bảo vệ Môi trường đã có hiệu lực và việc phân loại rác đã sắp đến ngày triển khai nhưng tôi lo ngại việc này sẽ không khả thi, vì từ lý thuyết đến thực tiễn nó có khoảng cách, và khoảng cách này không phải là gần” – PGS. TS Bùi Thị An nói.

Khi được hỏi về vấn đề từ chối thu gom rác khi người dân không phân loại, chị Nguyễn Thị Nụ – Công nhân vệ sinh môi trường tại Công ty Urenco, chi nhánh Ba Đình cho biết: “Chúng tôi có quyền từ chối khi người dân không phân loại rác nhưng việc này cũng khá khó khăn. Vì khi mình từ chối không thu gom thì họ sẽ thể hiện thái độ. Ngày hôm sau, họ có thể xả rác bừa bãi ra những nơi khác.”

Khi chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại đúng cách sẽ rất khó tái chế hay xử lý; trong khi đó, lượng chất thải vẫn gia tăng mỗi năm. Nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại các tỉnh, thành đang trong tình trạng quá tải là thực trạng rất đáng báo động.

6-chat-thai-ran-sinh-hoat-khong-duoc-phan-loai-dung-cach-se-rat-kho-tai-che-tai-su-dung-hay-xu-ly.jpeg
Chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại đúng cách sẽ rất khó tái chế, tái sử dụng hay xử lý

Để nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn, chính quyền các cấp cần phải triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động từ việc phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường tuyên truyền về mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn cho cộng đồng biết cách thức phân loại cho đúng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như lợi ích của việc đó đối với môi trường sống.

7-lau-dan-nguoi-dan-se-hieu-duoc-tam-quan-trong-cua-viec-phan-loai-rac-cung-nhu-tac-dong-cua-no-doi-voi-moi-truong-song.jpg
Lâu dần, người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như tác động của nó đối với môi trường sống
8-viec-trien-khai-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-hien-moi-chi-duoc-cac-dia-phuong-to-chuc-thi-diem-mang-tinh-chat-tuyen-truyen.jpg
Việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiện mới chỉ được các địa phương tổ chức thí điểm, mang tính chất tuyên truyền

Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn, ông Hà Xuân Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Võng La, huyện Đông Anh, TP Hà Nội cho biết: “Sau khi người dân thực hiện phân loại rác thì việc vận chuyển cũng chưa được thực hiện theo quy trình bài bản để đem đi xử lý rác thải tập trung nên rác vẫn chưa được xử lý đúng cách.”

Đồng tình với ông Hà Xuân Trường, Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc URENCO Chi nhánh Ba Đình cũng nhận định: “Chúng ta thực hiện việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phân loại rác nhưng lại chưa có nhà máy xử lý và tất cả rác thải đều được vận chuyển đến bãi phế thải Nam Sơn thì rất lãng phí công sức phân loại của người dân.”

Theo PGS. TS Bùi Thị An, cần phải có một chuỗi công đoạn từ việc thu gom, vận chuyển, lưu thông và tập kết và xử lý.

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách và Tài nguyên môi trường, Bộ TN&MT cũng nhấn mạnh, các địa phương cần phải quy hoạch, phải có đủ các nhà máy xử lý rác. Cần phải giải quyết các thách thức về tài chính, thách thức về năng lực và thách thức về công nghệ để các địa phương có thể triển khai phân loại rác từ ngày 1/1/2025.

9-pgs.-ts-nguyen-dinh-tho-vien-truong-vien-chien-luoc-chinh-sach-va-tai-nguyen-moi-truong-bo-tn-mt.jpg
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách và Tài nguyên môi trường, Bộ TN&MT

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại sẽ bị từ chối thu gom; không để chất thải rắn sinh hoạt đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục. Mặt khác, những hộ thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt nhiều sẽ phải trả phí cao, ưu tiên miễn phí cho lượng chất thải rắn đã được phân loại.

Còn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng. Thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Chế tài xử phạt hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy người dân thay đổi hành vi, tăng tính răn đe trong xã hội đối với người không tuân thủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa biết tới quy định này, dù đến nay đã hơn một năm kể từ khi Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực và chỉ còn mấy tháng nữa, quy định xử phạt sẽ có hiệu lực.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, mặc dù chính sách rất tốt nhưng để đưa vào thực tiễn lại là một vấn đề khác. Vì vậy, bên cạnh những chính sách thì cần phải có cơ chế giám sát thực thi và nhiều chế tài khác.

PGS. TS Bùi Thị An nhận định, Chính phủ chỉ nên chỉ đạo thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường với những giải pháp cụ thể, căn cơ đối với từng tỉnh, từng địa phương thì mới có hiệu quả.

11-pgs.-ts-bui-thi-an-vien-truong-vien-tai-nguyen-moi-truong-va-phat-trien-cong-dong.jpg
PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng

Trưởng phòng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Ba Vì, TP Hà Nội – Bà Nguyễn Thị Nam cũng đưa ra ý kiến: “Làm thế nào để phát hiện những người dân không vứt rác đúng nơi quy định hay không phân loại rác? Đây là việc vô cùng khó khăn, bởi lẽ những cán bộ môi trường ở cấp cơ sở có chung rất nhiều nhiệm vụ”.

12-phan-loai-rac-sinh-hoat-can-lam-quyet-liet-va-dong-bo-de-dat-hieu-qua-cao.jpeg
Việc phân loại rác sinh hoạt cần làm quyết liệt và đồng bộ để đạt hiệu quả cao

Có thể nói, hiện nay, việc thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta đã từng bước đem lại kết quả nhưng hiệu quả không cao, trong đó có nhiều nguyên nhân, khó khăn và vướng mắc. Sau khi đã có hướng dẫn kỹ thuật, việc xây dựng một lộ trình cụ thể để triển khai tới từng địa phương, khu dân cư, hộ gia đình và cá nhân là điều cần thiết. Bởi việc thay đổi thói quen xã hội không dễ đạt được trong thời gian ngắn. Vì vậy, cần làm tốt công tác chuẩn bị để những quy định pháp luật sớm đi vào thực tế cuộc sống.

(Theo: moitruong.net.vn)